Trang chủ » Bản tin » 10 sản phẩm công nghệ đáng nhớ đã ngừng sản xuất

10 sản phẩm công nghệ đáng nhớ đã ngừng sản xuất

Các công ty hàng đầu như Google, Apple, Amazon, HP, Cisco đã tạo nên những sản phẩm công nghệ ghi dấu trong lòng người dùng dù sản phẩm này đã ngừng phát triển.

Apple Newton

Ra mắt: 1993. Ngừng sản xuất: 1998.

Newton là một trong những thiết bị cầm tay đầu tiên của Apple. Sử dụng bút stylus với khả năng nhận dạng chữ viết, Newton sinh ra để phục vụ cho công việc, ghi chú, sắp xếp lịch và tìm kiếm thông tin. Nhiều lý do được đưa ra xung quanh việc tại sao Apple Newton lại ngừng sản xuất nhưng hợp lý nhất là do khủng hoảng tài chính.

PalmPilot

Ra mắt: 1997. Ngừng sản xuất: 2010.

Thiết bị cầm tay của Palm bắt đầu phổ biến với giới doanh nhân vào những năm 2000. Đây cũng được coi là chiếc máy tính di động đầu tiên có khả năng tồn tại trên thị trường, góp phần đưa Palm lên vị trí hàng đầu trong các nhà sản xuất PDA trước khi thời đại smartphone xuất hiện. Thiết bị của Palm có khả năng xử lý các ứng dụng chuyên ngành tương tự điện thoại thông minh ngày này. Vào năm 2010, HP đã mua lại Palm với giá 1,2 tỷ USD.

Google Reader

Ra mắt: 2005. Đóng cửa: 2013.

Sau 8 năm hoặt động, dịch vụ đọc tin RSS của Google chính thức đóng cửa vào 1/7/2013. Google Reader được đánh giá là công cụ mạnh mẽ, được yêu thích nhưng lượng người dùng trung thành giảm dần khiến “gã tìm kiếm khổng lồ” quyết định “khai tử” dịch vụ này.

HP TouchPad

Ra mắt: 2011. Ngừng sản xuất: 2011.

Sản phẩm này có “vòng đời” chỉ 49 ngày và được coi là thất bại nặng nề của HP. Máy tính bảng TouchPad chạy trên hệ điều hành webOS thân thiện, phần cứng khá nhưng lại hoạt động chậm chạp, nhanh hết pin và ít ứng dụng.

Cisco Flip

Ra mắt: 2006. Ngừng sản xuất: 2011.

Mẫu camera bỏ túi đơn giản trên được phát triển bởi Pure Digital sau đó được Cisco mua lại với giá 590 USD. Tuy vậy, chỉ hai năm sau, chủ mới đã khai tử Flip bất chấp doanh số của thương hiệu này đang chiếm ưu thế tại một số thị trường. Cisco cho biết, công ty muốn tập trung nguồn lực vào mảng truyền thống là thiết bị mạng.

Ứng dụng Sparrow

Ra mắt: 2011. Ngừng phát triển: 2012.

Với người dùng iOS và Mac OS X, Sparrow là trình đọc mail rất được yêu thích nhờ giao diện thân thiện, tốc độ và ổn định. Nhưng sau khi thuộc về Google với thương vụ 25 triệu USD, ứng dụng này không còn được tiếp tục hỗ trợ. Toàn bộ nhân lực của Sparrow chuyển sáng phát triển dịch vụ Gmail.

Google Desktop

Ra mắt: 2004. Ngừng hỗ trợ: 2011.

Desktop là ứng dụng được Google xây dựng nhằm mở rộng khả năng tìm kiếm dữ liệu, tập tin trên chính máy tính người dùng bên cạnh truy vấn kết quả từ internet. Cũng như một số dự án khác, Google ngừng cung cấp Desktop nhằm tập trung nguồn lực vào mảng chủ đạo của mình.

Máy chụp ảnh lấy ngay Polaroid

Ra mắt: 1948. Ngừng sản xuất: 2008.

Máy chụp hình lấy ngay thương hiệu Polaroid ngừng sản xuất sau 60 năm phát triển. Trong suốt quá trình xây dựng, Polaroid đã ra mắt nhiều sản phẩm với những thời điểm áp đảo về thị phần. Tuy vậy, thời đại kỹ thuật số được coi là nguyên nhân dẫn đến cái kết của Polaroid.

Mạng xã hội MySpace

Ra mắt: 2003. Ngừng phát triển: 2013.

Vào thời điểm ra mắt, mạng xã hội MySpace có sức hút tương tự Facebook ngày nay. Tuy vậy, MySpace đã không giữ được ưu thế của mình trước các đối thủ khác và sớm bị bỏ rơi. Đến năm 2013, mạng xã hội này “chuyển mình” với giao diện mới, tập trung vào âm nhạc. Những người dùng cũ đã vất vả để tìm lại các bài viết, hình ảnh cũ trên MySpace.

Amazon Kindle Keyboard

Ra mắt: 2010. Ngừng phát triển: 2013.

Thiết bị đọc sách của Amazon sở hữu màn hình e-ink, mỗi năm đều được cải tiến chất lượng cho hình ảnh sắc nét hơn, tốc độ làm tươi nhanh hơn đặc biệt là sự ra đời của phiên bản quảng cáo với mức giá rẻ. Nhưng đến năm 2013, Amazon thầm lặng ngừng phát triển và ra mới Kindle Keyboard. Thay vào đó, nhà bán lẻ hàng đầu tập trung vào các thiết bị khác như Kindle Touch, Kindle Paperwhite và Kindle Fire.

Đình Nam

Gửi bình luận

  • Subcribe to Our RSS Feed