Trang chủ » Bản tin » Google, Apple và câu chuyện “Made in USA”

Google, Apple và câu chuyện “Made in USA”

Trong gần một năm trở lại đây, mở đầu là Apple và một số công ty công nghệ khác đã bắt đầu có xu hướng sản xuất một hay một vài sản phẩm chủ đạo của mình tại Mỹ thay cho “công trường của thế giới” là Trung Quốc. Apple từng cho biết một số lượng nhỏ iMac sẽ được sản xuất tại Mỹ trong khi chiếc Mac Pro mới ra mắt với kiểu dáng hình trụ tại WWDC 2013 cũng sẽ được sản xuất tại quê hương của họ. Ngoài Apple, Google và công ty con Motorola dự định sẽ sản xuất Moto X ở Mỹ sau chiếc Nexus Q đã ra mắt trước đó. Không đơn thuần là chuyển dây chuyền sản xuất về Mỹ với việc sử dụng nhân công bản địa, “Made in USA” còn trở thành khẩu hiệu marketing của Apple hay Google đánh vào tâm lý người dùng bởi Mỹ là quốc gia phát triển hơn Trung Quốc và cũng là ước mơ vươn tới của rất nhiều người.

Moto X không phải là thiết bị điện tử đầu tiên của Google được sản xuất tại Mỹ mà trước đó đã có Nexus Q nhưng nó không thành công như kỳ vọng và không được biết tới nhiều. Tới Moto X thì Google và Motorola đã tích cực hơn trong việc marketing rằng nó được sản xuất tại Mỹ. “Xuất hiện vào mùa hè này, mỗi chiếc Moto X bán ra tại Mỹ sẽ được lắp ráp tại Fort Worth, Texas, biến nó trở thành smartphone đầu tiên được lắp ráp nội địa”, người phát ngôn của Motorola từng cho biết. Không chỉ vậy, CEO Dennis Woodside của công ty này cũng chia sẻ quan điểm tương tự và có vẻ như họ rất tự hào về điều đó. Trên thực tế, đối tác lắp ráp sản phẩm cho Motorola tại Mỹ là Flextronics công bố họ sẽ tạo việc làm cho khoảng 2 ngàn nhân công địa phương sau hợp đồng này với Motorola. Tinh thần tự hào dân tộc còn xuất hiện trên hình ảnh rò rỉ của Moto X với lá cờ bang Texas trên hình nền mặc định của máy (hình dưới).


Người ta thấy hình cờ bang Texas ở hình nền Moto X

Trong khi Moto X sẽ là smartphone đầu tiên được sản xuất tại Mỹ thì Apple cũng thể hiện lòng yêu nước của mình với Mac Pro được lắp ráp tại Mỹ. CEO Tim Cook từng tiết lộ vào tháng 12 năm ngoái với Bloomberg rằng công ty ông sẽ sản xuất một sản phẩm nào đó tại Mỹ vào năm 2013. Chiếc Mac Pro hình trụ tròn tuyệt đẹp mà Apple trình diễn tại WWDC 2013 là sản phẩm như vậy. Thậm chí ngay từ khi khai mạc WWDC 2013, Apple đã cho chạy một đoạn video kết thúc với khẩu hiệu “Thiết kể bởi Apple tại California”. Dù đó là câu quen thuộc đã xuất hiện trên những sản phẩm của Apple nhiều năm nay nhưng có thể thấy rất rõ rằng Apple đang nhấn mạnh lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc hơn bao giờ hết. Nhìn xa hơn, hệ điều hành OS X phiên bản kế tiếp của Apple sẽ có tên mã là Mavericks thay cho họ nhà hổ hơn 10 năm nay, đây chính là một địa điểm nổi tiếng của bang California, nơi Apple đặt trụ sở. “Thiết kế bởi Apple tại California” (Designed by Apple in California) cũng trở thành slogan chủ đạo trong những chiến dịch marketing, quảng cáo gần đây của hãng.

Không riêng gì những công ty Mỹ như Google hay Apple mà ngay cả Lenovo cũng quyết định mở nhà máy sản xuất thiết bị tại Mỹ, cho dù quê hương họ là Trung Quốc. Nhà máy lắp ráp máy tính ThinkPad mới được Lenovo mở tại Bắc Carolina đầu năm nay và sẽ tạo khoảng 100 việc làm cho địa phương này. Rõ ràng là những công ty công nghệ hàng đầu đang cho thấy sự liên kết với nước Mỹ nhiều hơn bao giờ hết. Tính hiệu quả trong quảng cáo chính là yếu tố cốt lõi cho những quyết định này khi Scott Paul, chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất Mỹ (AAM) khẳng định: “Không nghi ngờ gì nữa khi ‘Made in America’ là câu quảng cáo rất hiệu quả”.

Một khảo sát gần đây của Boston Consulting Group cũng chỉ ra rằng 80% trong tổng số 5 ngàn khách hàng đồng ý bỏ ra nhiều tiền hơn cho một sản phẩm được làm ở Mỹ, bao gồm sản phẩm điện tử. Một nghiên cứu tương tự thì cho thấy người Trung Quốc cũng thích thú hơn với các sản phẩm được làm ở Mỹ. “Bạn có thể chấp nhận bỏ tiền ra mua một sản phẩm nào đó chỉ vì quảng cáo được làm ở Mỹ”, Paul chia sẻ. Ngoài ra, Apple, Google hay Lenovo còn nhận được nhiều hỗ trợ từ các chính khách bởi việc xây dựng nhà máy và thuê nhân công sẽ giúp vùng đó nhận được nhiều đầu tư hơn.

Dù có lợi thế nhờ nhận được sự ủng hộ về chính trị, hiệu quả marketing nhưng Paul không nghĩ rằng Google hay Apple quyết định lắp ráp sản phẩm tại Mỹ đơn thuần vì mục đích PR. Ông này cho rằng các công ty đó chắc chắn sẽ không thể làm như vậy nếu như các cổ đông của họ không hứng thú. Đổi lại, Apple, Google hay Lenovo phải đưa ra giải thích để các cổ đông có niềm tin rằng sẽ thành công và tạo ra lợi nhuận. Có hai xu hướng giúp Mỹ hấp dẫn các công ty công nghệ để mở nhà máy ở đây đó là thị trường lao động đang ảm đạm và tiền thuê nhân công đang giảm dần. “Trong năm đầu tiên có thể họ sẽ không có lãi nhưng sau đó 5 năm, họ tin rằng họ đã đi đúng hướng”, Paul giải thích.


Google Glass được làm tại Mỹ

Hiện tại, giá sản xuất tại Mỹ đang đắt hơn so với các quốc gia khác nhưng tình thế sẽ nhanh chóng thay đổi khi tới năm 2015, các nhà phân tích dự đoán giá sản xuất tại Trung Quốc sẽ ngang bằng với Mỹ. Thực tế là người dùng đang phải chịu mức giá cao hơn cho một sản phẩm được làm ở Mỹ tại thời điểm hiện tại, hai ví dụ điển hình là Google Glass với giá 1500 USD và Nexus Q với giá 300 USD. Google Glass hay Nexus Q, Apple Mac Pro là những sản phẩm mà khách hàng có thể chấp nhận bỏ thêm tiền cho nó nhưng chắc chắn Moto X thì không như vậy. Nếu muốn thành công với phần đông khách hàng, Google và Motorola phải đưa ra mức giá rất hợp lý cho Moto X.

Những nhà phân tích thương mại khác thì không lạc quan về việc sản xuất thiết bị tại Mỹ của Apple hay Google, điển hình là Ron Hira. Nhà phân tích này cho rằng tình thế ngày nay đã khác rất nhiều so với những năm 1980 khi câu “Made in America” được dùng nhiều cho quảng cáo bởi những công ty sản xuất xe hơi, thép và chip bán dẫn. Ngoài ra, Hira cũng thắc mắc rằng bao nhiêu % của Moto X hay Mac Pro thực chất được sản xuất tại Mỹ. Năm 1997, Ủy ban thương mại liên bang (FTC) nêu rõ để một sản phẩm được gọi là “Sản xuất tại Mỹ” thì tất cả hoặc gần như tất cả các thành phần phải được tạo ra ở Mỹ.

Nếu như phần lớn nghĩ rằng một sản phẩm được sản xuất tại Mỹ sẽ thu hút khách mua thì Gary Pisano, tiến sĩ quản trị kinh doanh trường Harvard lại không chắc chắn về khả năng đó. Ông chỉ ra rằng từng hạng mục sản phẩm nổi tiếng ở từng quốc gia mới là yếu tố cốt lõi. Lấy ví dụ như hàng thời trang từ Ý hay xe hơi Đức chẳng hạn. Đối với hàng điện tử, từ lâu Nhật Bản và rộng hơn là châu Á đã có kinh nghiệm trong việc làm ra những sản phẩm chất lượng. Vì thế mà một số nhà phân tích không tin tưởng việc quảng cáo sản phẩm điện tử được làm ở Mỹ sẽ tạo ra cú hích lớn, điển hình là Google Nexus Q. Nó không chỉ có doanh số bán ra nghèo nàn mà bản cập nhật mới đây còn biến nó thành cục chặn giấy. Chủ tịch hiệp hội các nhà sản xuất Mỹ (AAM) nói: “Không phải ở chỗ nó được làm ở Trung Quốc hay ở Mặt trăng, vấn đề ở chỗ nó có phục vụ người dùng tốt hay không”.


Nexus Q cũng được làm ở Mỹ nhưng tính hữu dụng kém nên cũng không thành công

Nguồn The Verge

Gửi bình luận

  • Subcribe to Our RSS Feed