Trang chủ » Bản tin » Samsung “tối ưu hóa” điện thoại để đạt được điểm benchmark cao hơn

Samsung “tối ưu hóa” điện thoại để đạt được điểm benchmark cao hơn


Xung tối đa ở các ứng dụng benchmark được Samsung chỉ định

Trang Anandtech vừa thực hiện một số bài kiểm tra cho thấy Samsung đã ép xung xử lý và đồ họa của điện thoại lên mức tối đa khi thực hiện các bài benchmark nhằm đạt được điểm số cao nhất có thể. Điều này giống như một cái tát vào mặt những ai có niềm tin vào những con số benchmark thay vì trải nghiệm thực tế. Từ trước tới nay, điện thoại Samsung thường có điểm benchmark cao hơn các thiết bị khác cùng cấu hình. Hiện tượng tinh chỉnh để máy đạt điểm benchmark cao hơn không phải là hiếm ở ngành công nghiệp máy tính nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta có bằng chứng ở ngành công nghiệp điện thoại. Vẫn chưa rõ LG, Sony hay HTC có thực hiện hành vi tương tự với sản phẩm của họ không, Samsung từ chối bình luận về vấn đề này.

Vậy Samsung đã “tối ưu hóa” thế nào?

Các bài thử nghiệm benchmark thường được chia làm 3 phần: thử sức mạnh CPU/GPU thông qua Benchmark Pi, Linpack, 3D Mark hay sức mạnh tổng hợp thông qua AnTuTu hay Quadrant… Có rất nhiều phần mềm benchmark nhưng phổ biến và được tin tưởng chỉ có một vài cái được nhắc tới, và câu chuyện bắt đầu từ đây.

Như các bạn đã biết, pin là một vấn đề của điện thoại, các nhà sản xuất phải cân bằng giữa sức mạnh xử lý và mức độ tiêu thụ năng lượng, máy chạy càng nhanh (xung nhịp xử lý càng cao) thì pin càng nhanh hết. Với các điện thoại thông thường, điện thoại sẽ tự cân bằng, khi máy yêu cầu năng lực xử lý mạnh mẽ thì xung xử lý sẽ được đẩy cao và ngược lại. Vấn để ở đây là Samsung đã chỉnh sửa một số tập tin hệ thống, chỉ đích danh hệ thống phải đẩy xung nhịp lên cao nhất có thể khi một vài phần mềm benchmark được khởi chạy.


Samsung đã chỉnh sửa lại tăng xung nhịp khi chạy các phần mềm như AnTuTu hay Quadrant….

Trong thử nghiệm của họ, Anandtech đã dùng 2 chiếc Galaxy S4, một chiếc bản dùng chip SnapDragon 600, một chiếc dùng Octa của Samsung. Chúng ta hãy lấy ví dụ trên chiếc Octa, chiếc SnapDragon tương tự. Chip Octa có 8 nhân CPU, 4 nhân A15 1,6GHz và 4 nhân A7 yếu hơn 1,2GHz hoạt động khi cần tiết kiệm pin. Khi thử benchmark trên một số phần mềm bình thường thì S4 chỉ hoạt động ở 200MHz A7 ở idle trong khi dùng những phần mềm nổi tiếng trên thì máy tự động kích lên 1,2GHz A7 khi ứng dụng idle và 1,6GHz A15 khi bench. Thực chất thì điều này cũng không thật đáng trách vì dù sao đây vẫn là sức mạnh tối đa mà người dùng có thể trải nghiệm được. Thế nhưng GPU lại là một câu chuyện khác.

GFXBench, một phần mềm bench “lạ” thì xung là 250MHz

Nhân xử lý đồ họa của S4 có xung tối đa là 480MHz khi chạy game hay xử lý thông thường. Đây là sức mạnh tối đã mà người dùng có thể trải nghiệm được và lập trình viên có thể tận dụng được khi viết game. Khi thực hiện benchmark, Samsung đã vô tình hay hữu ý chỉnh xung lên 532MHz, cao hơn để đạt được điểm benchmark tốt hơn. Thử nghiệm cho thấy với mức tăng 52Mhz này thì năng lực xử lý đồ họa của S4 tăng 11%. Điều này thật tệ, điểm benchmark thể hiện sức mạnh ảo mà người dùng không xài được, vậy so sánh cũng chẳng còn chút ý nghĩa nào.


532MHz ở GLBenchmark mà Samsung nhận biết

Thử nghiệm thêm một số chương trình benchmark mới như GFXBench 2.7 (thực chất là GLBenchmark 2.7 đã được đổi tên) mà Samsung chưa kịp sửa vào file hệ thống thì điểm benchmark ở mức bình thường, CPU bình thường và GPU cũng chỉ tối đa 480MHz.

Kết luận:

Samsung có đáng trách không khi tinh chỉnh những thứ này? Câu trả lời là có nhưng nó chỉ là một mặt của vấn đề, không chỉ Samsung mà còn nhiều nhà sản xuất PC khác cũng thực hiện điều tương tự. Lỗi chính ở đây là của chúng ta, thay vì có những trải nghiệm thực tế, tin vào những người cầm điện thoại để nhận xét thì rất nhiều người lại có niềm tin vào những con số ảo có thể dễ dàng thao túng từ nhà sản xuất. Có lẽ sau việc này, rất nhiều bạn sẽ có thay đổi trong suy nghĩ, điểm benchmark cũng chỉ là một con số tham khảo như bao con số khác mà thôi, trải nghiệm của người dùng mới là điều quan trọng nhất.

Bạn nào muốn thử nghiệm kỹ hơn có thể tham khảo link nguồn của bài viết, bài viết này dành cho tất cả mọi người, không phải cho geek.

Lưu ý: xung nhịp 480MHz tối đa của GPU S4 là do tin nội bộ của Anandtech và một số lập trình viên, Samsung không công bố xung GPU.

Xin kết thúc bằng một bình luận của bạn Vuhai6 trong một bài viết cách đây một năm:

Android đua cấu hình riết rồi giờ đến cả điện thoại cũng có benchmark, những con số chỉ để tham khảo chứ không giúp ích gì được cho người dùng. Thực tế thì dù máy có điểm benchmark cao đi chăng nữa thì chưa chắc nó đã đáp ứng được yêu cầu sử dụng ổn định và không bị lỗi. Một ví dụ rất đơn giản đó là khả năng OC của Android và sau khi OC thì điểm cứ gọi là tăng vùn vụt, nhưng thực tế chả ai dùng máy với hệ thống OC, vừa nóng mà vừa hao pin. Cái nhiều người qua tâm là thời lượng dùng pin của máy lâu không thì lại chả có phần mềm benchmark nào đo được cả.

Ngoài ra, dù nói là cùng chạy Android nhưng về cơ bản thì máy có CPU + GPU khác nhau thì so sánh với nhau đã không thật chính xác. Vấn đề nằm ở chỗ liệu phần mềm benchmark có được tối ưu cho SoC đó không? chả thế mà đã có đôi lần Qualcomm hay Tegra (và các fan của họ) phàn nàn kết quả benchmark SoC của mình thấp hơn đối thủ và họ cho rằng phần mềm để benchmark được tối ưu cho hệ thống kia và chưa tối ưu trên hệ thống của mình.

Cái người ta quan tâm là liệu máy có hoạt động mượt mà, ổn định không thì không có phần mềm nào tính toán được chuyện này cả.

Tham khảo Anandtech

Gửi bình luận

  • Subcribe to Our RSS Feed