Trên tay và đánh giá nhanh sách điện tử Classbook của NXB Giáo Dục
Vài ngày trước thì NXB Giáo Dục đã chính thức giới thiệu sách điện tử Classbook cho phép tất cả các em học sinh sử dụng trên lớp. Thiết bị này sẽ góp phần giảm trọng lượng chiếc cặp sách mà các em đang sử dụng hằng ngày. Vậy Classbook có gì hay mà bạn phải trả gần 5 triệu đồng để sở hữu nó?
Thiết kế:
Điểm đáng chê nhất của Classbook là nó quá nặng so với kích cỡ màn hình 8″ của nó. Với trọng lượng khoảng 500g thì đây chưa phải là sản phẩm thật sự phù hợp với các em học sinh lớp nhỏ, đặc biệt là cấp 1. Có thể nói đó gần như là điểm yếu duy nhất của máy, phần còn lại đáng khen về cả thiết kế và chất liệu sử dụng. Không như các tablet giá rẻ thường dùng nhựa hoàn toàn, Classbook sử dụng cả nhựa và kim loại ở mặt sau. Tuy các mối nối đôi khi còn khá thô nhưng nó vẫn có thể coi là một sản phẩm chất lượng tốt, chắc chắn và không hề lỏng lẻo.
Classbook không quá dày do nhà sản xuất đã khéo léo vuốt cong các mép sản phẩm chứ không dùng dạng khối hộp hình chữ nhật. Chính các mép cong này cũng góp phần giúp các em học sinh cầm thoải mái hơn, ít bị cấn tay. Phần viền màn hình cũng có độ dày hợp lý, không quá lớn nhưng cũng không quá nhỏ, hầu hết chúng ta đều có thể cắm nắm một cách dễ dàng.
Hiện tại Classbook chỉ có một phiên bản duy nhất, sẽ tốt hơn nếu họ làm các bản cho học sinh cấp 1 với màn hình nhỏ hơn và cấp 3 với màn hình lớn hơn bên cạnh phiên bản tiêu chuẩn này.
Màn hình:
Là một thiết bị đọc sách, màn hình là một trong những điểm cần quan tâm nhất khi mua Classbook. Thực tế cho thấy chất lượng hiển thị của màn hình IPS 8” này là khá tốt, màu sắc dẽ chịu, góc nhìn rộng vừa phải. Điểm yếu lớn nhất là độ phân giải trung bình. 1024×768 nên hình ảnh bị rỗ khá rõ. Dù vậy, bạn cũng không thể đòi hỏi hơn ở một chiếc máy giá 4 triệu đồng cho thị trường đại chúng được.
Sức mạnh:
Classbook sử dụng vi xử lý 2 nhân, có 1GB RAM và 16GB bộ nhớ trong kèm một khe cắm thẻ microSD bên ngoài. Với cấu hình này thì máy chạy khá tốt, độ trễ là có thể nhận thấy nhưng nó không quá tệ như một số máy tính bảng chung tầm giá của năm ngoái. Độ trễ lớn nhất là khi chúng ta phóng to bài giảng thì máy sẽ tốn khoảng 2 giây để dựng lại.
Thực chất thì các em học sinh cũng không quá khó tính nên việc giảm cấu hình để giữ giá thấp cũng là chuyện có thể chấp nhận được.
Nội dung:
Đây là lý do duy nhất để các bậc phụ huynh học sinh mua Classbook chứ không phải vì bất cứ lý nào nào khác. Sách trên Classbook là sách giáo khoa của chúng ta được số hoá với chất lượng rất cao, mình có thể zoom sâu nhưng vẫn sắc nét. Đây cũng là điều dễ hiểu vì đơn vị phát hành Classbook là Nhà xuất bản Giáo Dục, NXB độc quyền in sách giáo khoa ở Việt Nam. Tất cả các nội dung trên Classbook cũng sẽ độc quyền cho thiết bị này, bạn không thể đem chúng qua các máy khác vì đã được khoá DRM.
Ngoài sách giao khoa từ lớp 1-12 (tặng kèm khi mua máy), trên Classbook còn có một số sách nâng cao, sách tham khảo mà bạn có thể nạp tiền vào để mua. Hiện tại thì NXB Giáo Dục đang khuyến mãi cho chúng ta hơn 200.000đ để mua sách tham khảo khi mua Classbook.
Ở bản ROM hiẹn tại, Classbook chưa hỗ trợ tải sách trực tiếp từ máy thông qua WiFi mà bạn phải chờ đến tháng 9 để sử dụng tính năng này. Mọi thao tác chép sách vào máy đều phải thông qua máy tính dùng Windows ở thời điểm hiện tại. Sắp tới máy sẽ được bổ sung kết nối WiFi và chỉ cho phép truy cập những trang web đã được kiểm duyệt.
Thao tác sử dung:
Về mặt này thì những gì Classbook.vn làm có thể chấp nhận được, không xuất sắc nhưng không đáng bị chê.
Đầu tiên, chúng ta nói về trải nghiệm khi đọc sách. Để dễ hình dung bạn cứ tưởng tượng Classbook chia quyển sách làm 3 lớp khác nhau, lớp dưới cùng chứa các nội dung chuyên sâu, nội dung đa phương tiện (hãy cứ tạm bỏ qua nó ở đó), lớp thứ 2 là những gì chúng ta thấy khi đọc sách, tức là nội dung chính. Lớp thứ 3 chính là phần để ghi chú hay vẽ lên.
Một số công ty tích hợp 3 lớp làm một, bạn sẽ không hình dung về nó khi sử dụng nhưng Classbook cho thấy rõ điều đó. Sử dụng định dạng PDF chứ không phải các định dạng sau này nên bạn không thể tương tác trực tiếp với lớp nội dung thứ 2 mà họ phải chế tạo ra một lớp thứ 3 để chúng ta vẽ lên đó. Nếu bạn nào dùng phần mềm như Sketch Book thì sẽ hiểu điều này, khi bạn highlight nội dung là bạn vẽ lên bề mặt chúng không phải đánh dấu trực tiếp vào lớp thứ 2 như iBook, Kindle hay Alezaa.
Về lớp đầu tiên, tức các trường dữ liệu mở rộng thì đây mới chính là ưu điểm của sách điện tử so với sách thường. Hãy tưởng tượng thế này, khi bạn học đến một nhạc sĩ nào đó, ví dụ Lưu Hữu Phước thì bạn nghe cô giáo nói ông có rất nhiều bài hát hay nhưng cô cũng chẳng thể nào mở cho chúng ta nghe toàn bộ những bài đó. Với Classbook thì những dữ liệu đã được nhúng vào trong sách, khi học đến Đỗ Nhuận thì có hơn 10 bài hát nổi tiếng nhất của ông lưu sẵn để ta nghe, tương tự với Lưu Hữu Phước và các nhạc sĩ khác….
Đó là về Nhạc, còn về Anh văn, thì sao? Ở bất cứ từ nào trong bài, chỉ cần nhấn và giữ là nghĩa của nó sẽ hiện lên đồng thời một bảng mới mở ra để chúng ta có thể nghe cách phát âm của từ. Cá nhân mình đánh giá đây là một điểm rất tốt vì có khá nhiều cô giáo tiếng Anh phát âm không chuẩn, có thể làm hỏng giọng của học sinh khi còn bé.
Với mỗi môn khác nhau thì sách lại có cách tương tác khác nhau, ví dụ như môn hoá thì bạn sẽ xem được những phản ứng khi đổ các loại hoá chất vào nhau chứ không chỉ tự nghĩ trong đầu như hiện nay. Theo đại diện của NXB Giáo Dục thì họ sẽ tiếp tục cập nhật các tính năng cho sách, tính năng tra từ Anh Văn và Nhạc đã có, tính năng xem phản ứng hoá học sẽ xuấy hiện vào cuối năm nay.
Những lo ngại:
Ngoài những lo ngại về chi phí hay các yếu tố liên quan khác thì viêc học sinh có thể sự dụng Classbook làm những chuyện khác trong lớp cũng là một điều làm các bậc phụ huynh lo ngại. Hiện tại nhà sản xuất đã khoá toàn bộ các ứng dụng hay giao diện gốc của Android, thay vào đó là giao diện đọc sách ngay ngoài màn hình chính. Ngay cả kho ứng dụng Android Market cũng bị khoá không thể truy cập mà bạn chỉ có thể tải ứng dụng đã được chọn lọc thông qua phần mềm Classbook trên máy tính.
Chỉ khi nào root máy và cài rom khác, bạn mới được toàn quyền sử dụng máy như một tablet Android bình thường. Tuy nhiên, điều này là vô nghĩa vì khi này sách giao khoa sẽ không thể sử dụng được nữa.
Kết luận:
Classbook là một giải pháp khá tốt cho các em học sinh. Dù còn nhiều thiếu sót và cũng không phải là những gì tốt nhất nhưng cái gì cũng cần có sự khởi đầu và việc Bộ Giáo Dục cho phép mang máy vào lớp cũng là một tín hiệu đáng mừng. Hy vọng sau Classbook, NXB Giáo Dục sẽ thay đổi suy nghĩ và biến Classbook thành môt phần mềm đa thiết bị chứ không chỉ gói gọn trong máy của họ như hiện tại. Tất nhiên, với việc làm đó thì phụ huynh học sinh phải kích hoạt parental control chứ không phó mặc hoàn toàn cho nhà sản xuất như hiện tại. Dù vậy, việc làm phần mềm sẽ tiết kiệm được khá nhiều tiền mua máy đồng thời giúp chúng ta có trải nghiệm tốt hơn, mượt mà hơn thông qua các thiết bị mới nhất.
Theo Tinh Tế
Gửi bình luận
Bản tin
- Canon kỷ niệm 25 năm mẫu máy ảnh SLR đầu tiên…
- Canon tiếp tục đồng hành trong quảng bá Di sản Văn hóa Việt Nam…
- MICROSOFT VÀ CANON KÍ THỎA THUẬN BẢN QUYỀN CHÉO…
- Canon “trình làng” các sản phẩm công nghệ mới nhất theo phong cách “Canon café”…
- Chụp hình đẹp cùng Canon PowerShot…
- Đánh giá nhanh máy ảnh Canon G1X- Mark II…
- DSLR nhỏ gọn Canon 1200D về VN với giá 11,9 triệu đồng…
- Canon đạt mốc 250 triệu máy ảnh số…